Đông Y Xứ Mường

Đông y Xứ Mường
Nguyên liệu từ thiên nhiên

Bệnh buồng trứng đa nang

Buồng trứng đa nang (BTĐN) là bệnh phụ khoa thường gặp ở chị em phụ nữ, đặc biệt là chị em trong độ tuổi sinh sản. Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị vô sinh. Vậy buồng trứng đa nang ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

 

1. Buồng trứng đa nang là gì?

Buồng trứng đa nang là một hội chứng gây ra do rối loạn cân bằng Hormone. Những phụ nữ bị buồng trứng đa nang có sự gia tăng bất thường về nồng độ Androgen (hormone nam giới) trong cơ thể nữ, những chất này sẽ gây gián đoạn quá trình phát triển của nang noãn từ đó buồng trứng xuất hiện nhiều nang nhỏ (từ 6 – 10 nang < 10mm thấy trên hình ảnh siêu âm buồng trứng) do nang noãn không phát triển được, trứng không thể trưởng thành và không có hiện tượng rụng trứng. Khi phụ nữ bị hội chứng này, buồng trứng sẽ có một lớp vỏ dày khiến cho nang trứng không thể phát triển nên hàng tháng trứng không phá được lớp vỏ đó, hiện tượng phóng noãn không xảy ra dẫn tới không có khả năng thụ thai.

2. Nguyên nhân gây buồng trứng đa nang

Hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân buồng trứng đa nang chính xác, nhưng những yếu tố sau có thể đóng vai trò là nguy cơ gây bệnh:

  • Yếu tố di truyền: Nếu mẹ hoặc chị gái bạn bị buồng trứng đa nang, bạn cũng có thể mắc phải hội chứng này. Các nhà nghiên cứu cũng đang xem xét khả năng đột biến gen có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Dư thừa insulin: Insulin là một loại hormone được sản xuất trong các tế bào tuyến tụy cho phép sử dụng đường (glucose), cung cấp năng lượng chính của cơ thể. Nếu có đề kháng insulin, khả năng sử dụng insulin một cách hiệu quả bị suy giảm và tuyến tụy tiết insulin nhiều hơn để chuyển hóa cho các tế bào. Insulin dư thừa được cho là đẩy mạnh sản xuất Androgen của buồng trứng. Sự gia tăng sản xuất Androgen có thể cản trở sự phát triển của nang trứng, làm giảm khả năng rụng trứng của buồng trứng.
  • Chế độ ăn uống: có quá nhiều tinh bột cũng có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang.

3. Dấu hiệu buồng trứng đa nang

 

  • Chu kì kinh nguyệt bất thường hoặc không đều (chu kỳ kinh ngắn < 25 ngày hoặc 2-3 tháng hoặc vài năm mới có kinh một lần).
  • Tăng cân, béo phì do đường (glucose) không được chuyển hóa vào tế bào sẽ chuyển đổi thành chất béo tích tụ lại đặc biệt là ở vùng bụng.
  • Cảm giác đầy bụng và khó chịu vùng bụng – lưng – vùng chậu: Đây cũng là 1 triệu chứng thường gặp của buồng trứng đa nang. Người bệnh có thể gặp các cơn đau âm ỉ hoặc đau nhói với các mức độ từ nhẹ đến dữ dội như khi đến kỳ kinh nguyệt và thường cảm thấy khó chịu ở vùng chậu, vùng bụng hoặc lưng dưới.
  • Ngưng thở khi ngủ: Ngoài các triệu chứng trên thì hiện tượng ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ cũng là 1 trong những dấu hiệu của buồng trứng đa nang phổ biến. Nguyên nhân chủ yếu là do rối loạn nội tiết tố và tình trạng tăng cân bất thường gây ra.
  • Sắc tố da sậm màu nhất là ở háng, cổ và nách.
  • Nhiều lông trên mặt và trên người (ngực, bụng,lưng hoặc bắp đùi) do cơ thể sản sinh nhiều nội tiết tố nam, da mặt nhờn và nhiều mụn trứng cá.
  • Tóc mỏng đi hoặc rụng nhiều do các nang tóc bị thiếu dinh dưỡng. Từ đó, tóc yếu dần rồi rụng thưa mỏng đi.
  • Tâm trạng vui buồn thất thường: Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường xuyên cảm thấy lo âu, căng thẳng, buồn vui vô cớ thậm trí là trầm cảm.

Phụ nữ măc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ dễ bị bệnh:

  • Vô sinh hiếm muộn do không rụng trứng.
  • Bệnh tiểu đường (chủ yếu là tiểu đường tuýp 2) do rối loạn điều hòa hormone Estrogen và lượng Insulin trong cơ thể.
  • Tăng huyết áp và khó điều chỉnh huyết áp
  • Mỡ trong máu cao đặc biệt là mỡ xấu (LDL), dẫn tới tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đột quỵ

 

4. Buồng trứng đa nang có con được không?

Rất nhiều người bệnh lo lắng hội chứng buồng trứng đa nang sẽ ảnh hưởng chức năng sinh sản, thậm chí dẫn đến vô sinh. Vậy buồng trứng đa nang có con được không?

Bạn không nên quá lo lắng bởi buồng trứng đa nang cũng là một căn bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, do đó bạn vẫn có khả năng mang thai một cách tự nhiên. Thực tế nhiều nghiên cứu đã cho thấy không phải trường hợp nào mắc buồng trứng đa nang cũng không thể mang thai, vẫn có những trường hợp mang thai được nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của bạn đã lâu thì nguy cơ hiếm muộn, vô sinh càng cao.

Với sự phát triển của y học ngày nay, những người bị buồng trứng đa nang đã được điều trị theo nhiều phương pháp khác nhau để phù hợp với nhu cầu từng người. Điều trị buồng trứng đa nang thường nhằm mục đích điều hòa kinh nguyệt và điều trị để mang thai.

5. Điều trị buồng trứng đa nang

Sau đây là những phương pháp điều trị buồng trứng đa nang kịp thời để không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em:

  • Điều chỉnh thói quen lối sống và giảm cân hiệu quả: Hãy thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, ít tinh bột, đường, giàu đạm thực vật, nhiều vitamin và sắt từ thực vật và tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng lo âu…
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện và hạn chế nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp…
  • Sử dụng thuốc để kích thích rụng trứng. Nếu đang cố gắng để có thai, có thể cần một loại thuốc để kích thích rụng trứng. Có rất nhiều loại thuốc khác nhau từ đường uống đến đường tiêm. Bác sĩ sẽ xem xét từng trường hợp bệnh nhân để có chỉ định loại thuốc nào phù hợp với bạn.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật nội soi buồng trứng là một trong những lựa chọn điều trị đa nang buồng trứng. Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật bằng mở ổ bụng để tạo ra các lỗ nhỏ trong buồng trứng (phẫu thuật đốt điểm buồng trứng) làm giảm mức độ kích tố nam và tăng cường sự rụng trứng. Tác động của phương pháp này chỉ mang tính tạm thời nhưng khoảng 50% phụ nữ mang thai trong vòng một năm kể từ khi phẫu thuật.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm: Nếu không còn phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn thì thụ tinh trong ống nghiệm được xem là phương pháp tối ưu. Để thực hiện phương pháp này, trước tiên bác sĩ sẽ lấy trứng và tinh trùng để tiến hành quy trình thụ tinh trong phòng thí nghiệm. Sau đó, phôi được đưa vào tử cung của người phụ nữ để phôi có thể phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai phụ thuộc vào độ tuổi và khả năng sinh sản của chị em.